Những khác biệt trong trình diễn nhạc sống tại Hà Nội và Tp.HCM

Gần một năm trước, bài phỏng vấn nhóm sản xuất nhạc Synergy (SMP) của tôi đã khuấy lên khá nhiều tranh cãi về sự hợp tác giữa các nghệ sĩ nước ngoài và địa phương, cũng như sự khác biệt giữa “âm nhạc đương đại” tại TP HCM và Hà Nội (mời các bạn lưu ý tới 14 ý kiến phía dưới bài). Vế đầu của “vấn đề” đã sớm được các nghệ sỹ giải quyết (bằng chứng là khá nhiều buổi trình diễn chung giữa các nghệ sỹ Việt Nam và nước ngoài đã diễn ra sau đó), với vai trò cầu nối khá quan trọng của tạp chí The Word Hanoi. Tuy nhiên, vế thứ hai vẫn chưa được trả lời, hoặc ít nhất là tôi chưa tìm thấy tài liệu nào viết về vấn đề đó một cách cụ thể. Vì thế trong suốt 8 tháng sinh sống tại TP HCM, tôi đã cố gắng quan sát và tìm hiều về sự khác biệt giữa bối cảnh âm nhạc trình diễn tại đây với Hà Nội. (Tôi sẽ không dùng từ bối cảnh “âm nhạc đương đại” bởi thuật ngữ đó xét cho cùng vẫn chưa được định nghĩa cụ thể và có thể còn tiếp tục phải tốn nhiều giấy mực..)

Gibbon Suburbia trên sân khấu Hanoi Rock City, một ban nhạc rock của những người nước ngoài đang sinh sống tại HanoiGibbon Suburbia trên sân khấu Hanoi Rock City, một ban nhạc rock của những người nước ngoài đang sinh sống tại Hanoi

Tất nhiên người Việt Nam nào cũng biết Hà Nội và TP HCM không hề giống nhau, từ khí hậu, lối sống, ẩm thực, giọng nói cho đến các hoạt động giải trí (bạn có thể xem thêm blog so sánh cuộc sống ở Hà Nội và Sài Gòn của tôi bằng tiếng Anh). Vì vậy, khi nói về trình diễn nhạc sống, chúng ta cần phải xét trên góc độ Hà Nội là thủ đô văn hóa và chính trị, trong khi TP HCM là “thủ đô” thương mại và người dân “Sài thành” có xu hướng hướng ngoại và chịu ảnh hưởng của lối sống phương Tây nhiều hơn người Hà Nội. Những yếu tố này góp phần không nhỏ vào việc định­ hình bối cảnh âm nhạc tại hai nơi.

Trước hết, có một điều tôi cần khẳng định: Nếu bạn quan tâm đến nhạc tự sáng tác và nhạc thể nghiệm, Hà Nội là cái tên đầu tiên bạn phải nghĩ đến! Thành thật mà nói, đó là phát hiện đáng ngạc nhiên nhất đối với tôi! Tất cả những ai ở Hà Nội để ý tới các sự kiện trên HanoiGrapevine, The Word hay TNHVietnam thì đều biết rằng để được nghe nhạc tự sáng tác, chúng ta chỉ cần đến các buổi trình diễn của các nghệ sỹ SMP hay muốn nghe nhạc điện tử thể nghiệm thì chỉ cần “theo chân” những Trí Minh, Đào Anh Khánh, Vũ Nhật Tân. Nhưng suốt 8 tháng ở TP HCM, tôi không tìm đâu ra những chương trình như thế. Có thể đó là do những chương trình biểu diễn như vậy không được “tiết lộ” cho công chúng, hay là do trong TP HCM không có trang web nào thâu tóm thông tin về các hoạt động nghệ thuật triệt để như Grapevine?! Cái duy nhất tôi nhận thấy là nhạc sống tại TP HCM có phần nghiêng về tính thương mại và các ban nhạc chủ yếu chơi lại những ca khúc nổi tiếng thế giới, kiểu Hotel California hay Careless Whisper. Lời giải thích nghe có vẻ hợp lý nhất ấy là các quán bar chỉ muốn các ban chơi nhạc mà khán giả đã biết để có thể dễ dàng hút khách, nhưng tôi nghĩ cũng có thể đó là do các ban nhạc ở TP HCM chưa muốn (thử) đứng lên để “cách mạng hóa” bối cảnh âm nhạc tại đây, chứ chắc chắn lý do không phải là do không có ai sáng tác nhạc. Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ tới các bạn rằng nhận định này của tôi sẽ không chính xác nếu dùng để nói đến các quán bar chơi rock tại Hà Nội bởi có vẻ hầu hết các ban nhạc rock của Việt Nam nói chung đều chơi lại nhạc, ngoại trừ một số buổi biểu diễn để giới thiệu album. Nói chung, rock Việt vẫn còn nặng về chơi lại metal hay phối lại các ca khúc MTV theo phong cách rock.

Tuy nhiên, khi nói về quy mô của các lễ hội âm nhạc, TP HCM lại tỏ ra vượt trội so với Hà Nội. Saigon Sound System tại đây luôn mang tới những lễ hội âm nhạc rất lớn và tốn kém, chẳng hạn như Liên hoan Âm nhạc quốc tế Loreto hoặc Lễ hội Âm thanh Sài Gòn (lễ hội này nghe đâu đã thu hút tới 40.000 người tham dự). Họ cũng mang tới các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới như Bob Dylan hay các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp giải trí Việt Nam như nhóm Bức Tường, Anh Khoa, Thảo Trang, Văn Mai Hương. Tuy nhiên, Hà Nội cũng không hề “tụt hậu” với lễ hội âm nhạc hàng năm của CAMA hay Lễ Hội Sound Stuff của Trí Minh. Điều khác biệt là ở chỗ: thông thường các lễ hội âm nhạc tại TP HCM tập trung nhiều vào “tính đại chúng”, có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể đến để thưởng thức và vui chơi, trong khi các lễ hội tại Hà Nội có xu hướng giới hạn khán giả hơn bởi các chương trình thường biểu diễn một loại nhạc hay đi theo một phong cách nhất định nào đó (ví dụ Sound Stuff chuyên về nhạc điện tử và nhạc thể nghiệm, trong khi CAMA thường giới thiệu các ban nhạc trẻ mới nổi với các thể loại nhạc punk, alternative, điện tử hay reggae). Một điểm đáng chú ý nữa là giá vé tại TP HCM luôn cao hơn nhiều so với Hà Nội!

SaigonSoundFest

Điều thứ ba tôi muốn so sánh là quy mô của các địa điểm chơi nhạc sống tại Hà Nội và TP HCM. Rõ ràng các sân khấu âm nhạc tại các quán bar của TP HCM lớn hơn hẳn các địa điểm tại Hà Nội. Tất nhiều điều này cũng dễ hiểu, đơn giản bởi TP HCM  lớn hơn Hà Nội rất nhiều, do đó các nhà hàng, quán bar ở đây cũng có nhiều chỗ để bành trướng. Chỉ riêng trong Quận 1 ta đã có thể đếm được ít nhất 3 địa điểm trình diễn với không gian khá lớn là Vasco’s, Hard Rock Café hay Saloon 17 (dù bar này chỉ có các ban Phi-lip-pin chơi lại các ca khúc pop rock), ngoài ra còn có nhiều địa điểm nhỏ hơn nhưng khá nổi tiếng là Thị Café, Bernie’s hay La Habana. Quận 3 là nơi dân nghiền rock tụ hội với Acoustic, Yoko, RockFanClub hay Cacophony. Quận 2 là khu nhiều người nước ngoài sinh sống và cũng là nơi chuộng các thể loại acoustic unplugged, phổ biến nhất là Snap Café và Buddha Bar. Nói chung các ban nhạc quốc tế  khi đến TP HCM sẽ có rất nhiều địa điểm biểu diễn để lựa chọn trong khi tại Hà Nội thực lòng họ chỉ có một nơi duy nhất để đến, ấy là Hanoi Rock City. Tất nhiên không phải Hà Nội không có nhiều địa điểm chơi nhạc, ta có thể kể ra đây những ATK, Tadioto, Cinematheque, Hair of the Dog, Hanoi Social Club, PUKU, Southgate hay Chez Xuân và La Cooperative, nhưng không nơi nào trong số đó có khả năng tổ chức những buổi trình diễn với quy mô lớn như Hanoi Rock City. Ngoài ra, chúng ta cũng phải kể tới các câu lạc bộ rock Việt như Holyland, Heresy, Polygon hay Ngũ Cung Club nhưng những địa điểm này gần như chỉ dành riêng cho các ban rock của Việt Nam.

Có một điều đặc biệt quan trọng đối với khán giả là vấn đề giá vé. Tại TP HCM giá đồ uống trong một chương trình ca nhạc trực tiếp thường gấp từ 1,5 đến 3 lần so với tại Hà Nội. Điều này chắc chẳn làm cho không ít người nghĩ rằng các ban nhạc tại đây hẳn phải kiếm bộn. Tuy nhiên, sự thực không hề đúng như vậy. Các ban nhạc trong TP HCM cũng giống như ở Hà Nội, kể cả những ban chơi chuyên nghiệp, cũng chỉ coi âm nhạc là nghề tay trái hay sở thích bởi thù lao cho ban nhạc ở đây cũng không khá hơn gì mấy so với Hà Nội. Thế chúng ta mới thấy vấn đề đáng suy nghĩ là không biết số tiền khán giả bỏ ra đã đi đâu về đâu(?).

Điều cuối cùng mà tôi quan sát được lại là một lợi thế nữa của TP HCM. Tại TP HCM dường như sự kết hợp giữa “Tây” và “ta” là vô cùng tự nhiên, từ thành phần ban nhạc cho đến đám đông khán giả. Trong khi đó, ở Hà Nội ta không nhận thấy điều này. Ở Hà Nội, khán giả Việt Nam sẽ chỉ tới những chương trình có các ban nhạc Việt Nam biểu diễn, còn các chương trình có ban nhạc người nước ngoài biểu diễn thì cũng chỉ có các khán giả người nước ngoài (hoặc thêm nhóm người Việt hay “giao lưu” với người nước ngoài). Có vẻ như người dân TP HCM không hề có ranh giới “Tây” và “ta” như Hà Nội, họ đến một chương trình bất kỳ chỉ vì họ thích thể loại nhạc hay ban nhạc chơi tại đó, và chủ yếu là để tìm kiếm sự giải trí. Tất nhiên gần đây Hà Nội cũng đang có tiến triển trong việc khắc phục vấn đề này, nhưng để bắt kịp với TP HCM thì không phải chỉ có những bar/club chơi nhạc cố gắng thay đổi chiến lược để thu hút cả khách Việt và ngoại quốc là đủ, mà chính khán giả cũng dần phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. Tại sao chúng ta phải phân biệt địa điểm nào là “Tây” địa điểm nào là “ta” nếu cả hai cùng nghe chung một loại nhạc, và cùng muốn đến một buổi trình diễn âm nhạc để giải trí và thư giãn?

Tóm lại, tất cả những so sánh trên làm cho việc “xếp hạng” môi trường âm nhạc trình diễn tại hai thành phố trở nên khó khăn bởi cả hai đều có những cái được và mất. Âm nhạc tại TP HCM chú trọng phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả, trong khi Hà Nội lại quan tâm đặc biệt tới sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Do đó, việc quyết định âm nhạc tại đâu hấp dẫn hơn là hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích của mỗi người. Đối với bản thân là một fan hâm mộ nhạc rock, tôi phải nói rằng môi trường tại TP HCM là vô cùng hấp dẫn bởi các thể loại rock được chơi ở đây đa dạng hơn nhiều so với Hà Nội, chưa kể đây cũng là địa bàn của hai ban nhạc mà tôi hâm mộ,Giao Chỉ và Black Infinity. Đối với nhóm bạn trẻ thích nhạc vũ trường thì TP HCM hoàn toàn qua mặt Hà Nội khi xét tới các bữa tiệc thâu đêm hay các lễ hội âm nhạc quy mô lớn. Còn đối với các ban chơi lại nhạc thì rất có thể TP HCM vẫn là nơi hấp dẫn hơn với sự đa dạng của các địa điểm và chương trình biểu diễn để lựa chọn. Tuy nhiên, đối với các nhạc sĩ tự viết nhạc và mong muốn được thử nghiệm âm nhạc của mình trước đám đông thì thực lòng tôi nghĩ hoặc là họ tìm kiếm cơ hội của mình ở Hà Nội, hoặc nghiêm túc lên kế hoạch thực hiện một cuộc “cách mạng” ở TP HCM.

GHI CHÚ: Bài viết của tôi chủ yếu tập trung vào nhạc rock, thực nghiệm và các chương trình biểu diễn âm nhạc tại các quán bar / club và không áp dụng cho các thể loại nhạc dân gian, nhạc vũ trường  / DJ / hiphop, nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, jazz hay bất kỳ chương trình biểu diễn chính thức nào.

Tôi cũng muốn nói lời cảm ơn đến tất cả bạn bè là các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà báo và các nhóm sản xuất nhạc đã cung cấp thông tin cho bài viết này. Tôi đặc biệt cảm ơn Peter Cornish, quản lý của DepSkillz, người đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về bối cảnh âm nhạc tại TP HCM.

 Phạm Hoàng Miên đã gắn bó với Hanoi Grapevine được một thời gian trong vai trò phụ trách mảng truyền thông xã hội và dịch thuật. Là một người có niềm đam mê và rất nhiệt huyết với âm nhạc, chị quyết định thử sức mình trong lĩnh vực mới – viết về các sự kiện âm nhạc và phỏng vấn các ban nhạc cho trang web.

Phạm Hoàng Miên [ Original post ]
HanoiGrapevine|Website về các sự kiện văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam

1 thought on “Những khác biệt trong trình diễn nhạc sống tại Hà Nội và Tp.HCM

Leave a comment